Tuesday, July 9, 2013

Thực phẩm nào nên sử dụng trước và sau khi sinh

1. Thực phẩm cần thiết xây dựng cơ thể (protein)

Cần thiết để xây dựng mô.
Gia tăng khả năng đề kháng, chống lại sự nhiễm trùng.
Cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết.

Những thực phẩm giàu protein là : thịt, sữa, những sản phẩm từ sữa, thịt gà, đậu, trứng, quả hạt, cá, hải sản và trái lê tàu.







2. Thực phẩm duy trì chức năng của cơ thể (vitamin)

Giúp cơ thể thực hiện những chức năng, hoạt động bình thường.
Giúp tăng nhu động ruột và tăng hoạt động hệ hô hấp.

Nguồn thực phẩm chứa nhiều những chất này là trái cây và rau xanh.

3. Thực phẩm cung cấp năng lượng (carbo-hydrate và mỡ)

Nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể.

Những thực phẩm này gồm: gạo, bắp, bánh mì, khoai tây và những thức ăn ngọt (tránh ăn quá nhiều những thức ăn này), mỡ và dầu.

Bạn cũng cần phải bổ sung nhiều sắt hơn trong thời gian này, nhằm giúp sản xuất và duy trì lượng máu khỏe mạnh. Chống thiếu máu. Nguồn cung cấp là lòng đỏ trứng, gan, thịt heo, thịt bò, rau muống…

Sunday, July 7, 2013

Giảm chứng hoa mắt, chóng mặt trong thời kỳ mang thai

So với huyết áp cao, huyết áp thấp không nguy hiểm và cũng không phổ biến bằng. Tuy nhiên, huyết áp thấp thường dẫn tới hiện tượng hoa mắt - chóng mặt, ở mức độ nặng, nó sẽ khiến thai phụ bị ngã, gây nên chấn thương cho bản thân và em bé trong bụng.
 
 
 
Nguy cơ tiếp theo khi huyết áp thấp là bị mất nước. Nếu lượng nước trong cơ thể mẹ không được bổ sung kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu vào bào thai.
Thời tiết nóng bức sẽ làm tăng nguy cơ hạ huyết áp và bị mất nước cho thai phụ. Ngoài ra, nếu phải đứng lâu, thai phụ cũng dễ bị chóng mặt do tụt huyết áp
Trong thời gian mang thai, máu có xu hướng dồn xuống phía chân, ít lưu thông lên não. Nếu đột ngột nằm xuống hay đứng dậy, thai phụ sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt.
Huyết áp thấp còn liên quan đến những trục trặc ở thị giác như nhìn mờ.

Điều trị

Huyết áp thấp trong thai kỳ có thể (hoặc không cần) điều trị bằng thuốc. Biện pháp khắc phục huyết áp thấp còn tùy thuộc vào nguy cơ sức khỏe của nó với thai phụ; chẳng hạn, nếu thai phụ bị mất nước thì sẽ được chỉ định truyền nước.

Ngăn ngừa

Những gợi ý sau sẽ giúp bạn phòng tránh được mối nguy với huyết áp thấp:
- Với tư thế nằm, nên nằm nghiêng về một bên thay vì nằm ngửa. Nằm nghiêng sẽ khiến dây thần kinh hông và vùng lưng dưới không bị đau 
- Nếu bị chóng mặt, nên nhanh chóng ngồi xuống cho đến khi ngừng cảm giác hoa mắt. Nên dứng dậy một cách từ từ.
- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc.
- Duy trì chế độ luyện tập hàng ngày. Các nghiên cứu chứng minh, luyện tập thường xuyên có tác dụng duy trì huyết áp ổn định.
- Nên dự trữ đồ ăn vặt bên mình để tránh bị đói đến mức hạ đường huyết.

Friday, July 5, 2013

Những cách giảm ốm nghén hiệu quả

Nếu bạn ghét bất kỳ loại thức ăn hay thứ mùi nào thì hãy tránh xa. Còn để giảm thiểu cảm giác buồn nôn trong 3 tháng đầu thai nghén, hãy thử áp dụng vài trong số các cách dưới đây:
 


- Đừng vội rời khỏi giường. Hãy từ từ ngồi dậy và tựa lưng vào đâu đó. Nếu bạn trở dậy nhanh quá và bất ngờ, cảm giác buồn nôn có thể tăng lên.
- Luôn mang theo bên mình các loại snack như bánh biscuit, hoa quả khô... Bạn có thể nhấm nháp chút ít những loại thực phẩm này trên giường trước khi dậy từ 20 - 30 phút.
- Đừng vội bắt tay vào nấu nướng trong khi bạn đang bị kích thích bởi một thứ mùi nào đó. Hãy nhờ mẹ chồng/mẹ giúp mình trong thời gian này.
- Chia nhỏ các bữa ăn và ăn làm nhiều lần. Hãy nhớ, dạ dày rỗng cũng làm tăng cảm giác buồn nôn. Các thực phẩm giàu protein hay cacbon hydrate giúp chống lại ốm nghén rất hiệu quả.
- Với một số trường hợp, uống bổ sung khoảng 50mg vitamin B5 mỗi ngày là một cách rất tốt. Tuy nhiên, hãy hỏi kỹ bác sĩ trước khi quyết định dùng nhé.
- Nếu bạn đang uống các loại vitamin bổ sung dành cho bà bầu, hãy thử ngừng một thời gian. Nếu tình trạng nghén ngẩm được cải thiện thì hãy tạm nghỉ cho đến khi bạn hết nghén (3 tháng đầu) rồi tiếp tục dùng lại.
- Nếu uống sắt bổ sung khiến hệ tiêu hóa của bạn “khó chịu” thì hãy đi xét nghiệm máu, xem mình có thực sự thiếu máu không. Hoặc bạn có thể lựa chọn các loại tương tự nhưng là dạng viên hoặc gộp chung với các vi chất khác....
- Bạn chỉ ăn những gì bạn cảm thấy hứng thú và thử loại bỏ các loại thực phẩm nhiều chất béo (rán), cay, nóng, chua quá... Đặc biệt hạn chế các thức ăn như các loại nộm, các loại hoa quả dầm... vào những tháng mùa hè.
- Thường xuyên uống nước vào giữa các bữa ăn chứ không phải là trong bữa ăn.
- Ăn nhạt và nên chọn các loại snack như biscuit dòn, sữa chua (giàu vitamin B, giúp giảm nghén) hay bất cứ thứ gì mà bạn thấy thèm.
- Ngửi mùi chanh tươi. Các lát chanh tươi cũng sẽ làm bạn dễ chịu trong giai đoạn nghén ngẩm. Có thể cho vào trà hoặc nước khoáng để uống thường xuyên.
- Uống trà gừng. Gừng có tác dụng ổn định dạ dày và giúp giảm buồn nôn.
- Dành thời gian thư giãn. Hãy gặp gỡ các bà mẹ tương lai khác để có thêm nhiều kinh nghiệm, chia sẻ, giúp giảm thiểu những lo lắng không đáng có.
- Dậy sớm và đi dạo ngoài sân vườn. Không khí trong lành và luyện tập nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể kiểm soát được tình trạng ốm nghén.
- Nên tập các bài luyện thở. Hãy hít thật sâu và cố gắng loại bỏ khỏi tâm trí cảm giác lợm cổ.
- Luôn duy trì sự bận rộn bằng cách xem tivi, giải ô chữ, chơi cờ, đọc sách, nghe nhạc... vào buổi sáng, đặc biệt là khi cảm giác buồn nôn xuất hiện.
- Thử ăn chuối vào bữa sáng. Chuối rất giàu kali và được biết đến là một trong những vi chất có khả năng “đè bẹp” cảm giác buồn nôn.
- Hãy xức dầu bạc hà vào giấy ăn hay khăn tay và hít hà nó bất kỳ lúc nào. Nó cũng có tác dụng giảm nhẹ cảm giác buồn nôn.
- Trang phục cần rộng rãi, thoáng. Những bộ quần áo bó sát, đặc biệt là ở vùng thắt lưng sẽ làm tình trạng ốm

Chống nghén vào buổi sáng

Nếu sáng dậy bạn cẩm thấy mệt mỏi thì đó là điều hết sức bình thường của giai đoạn thai nghén. Đừng lo, nó không ảnh hưởng tới thai nhi đâu!

Thực ra dấu hiệu này có thể xuất hiện sớm khi thai được 4 đến 6 tuần và giảm bớt sau một hai tháng tiếp theo. Tuy nhiên, đối với một số người thì những triệu chứng nôn hay buồn nôn trong 6 tháng đầu có thể gây khó chịu, mệt mỏi trong người.


Mệt mỏi buổi sáng có thể là do hormon thay đổi trong thời kỳ mang thai nhưng bạn cũng có thể dùng một số loại quả tự nhiên để giải quyết vấn đề này, chúng rất an toàn mà lại cho hiệu quả tốt.
Cũng cần lưu ý rằng, phương thuốc tự nhiên không phải đều có hiệu quả cho tất cả mọi người, vì mỗi một cơ thể có sự thích nghi khác nhau. Bạn cũng cần thông qua ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để được tư vấn và chăm sóc sức khoẻ thai sản tốt nhất. Dưới đây là một số lời khuyên chung của bác sĩ cho mọi trường hợp.
1. Nho tươi rất giàu oxalic, recemic, Axit malic và tactric, chất ozotise. Sự có mặt của các axit này khiến nho có vị chua và chát.
Ngâm nho tươi trong giấm với muối và hạt tiêu uống vào mỗi sáng lúc chưa ăn sẽ giúp buổi sáng đỡ mệt mỏi và chống nôn cũng như buồn nôn đối với thai phụ.
2. Ép nước ổi tươi (bỏ hạt) pha với sữa vào buổi sáng sẽ giúp dạ dày bạn ổn định và chống nôn. Nó rất có hiệu quả khi bạn thấy mệt mỏi vào buổi sáng.
3. Lấy 200ml nước cam ép với 3 - 4g hạt tiêu cộng thêm một ít muối uống vào buổi sáng. Hỗn hợp pha chế này cũng có tác dụng ngăn cản mệt mỏi trong người.
4. Lấy 10ml nước lựu chua ép trộn với một lượng mật ong tương đương, uống vào buổi sáng hoặc một lần trong ngày cho tác dụng tốt đối với triệu chứng trên. Nên nhớ nước lựu chua tốt hơn nước lựu có vị ngọt nhé.
5. Một số vị khác như nước chanh tươi 10ml trộn với 10ml nước chanh lá cam và thêm 3-4 thìa đường với một ít muối pha trong nước mát. Uống nước này vào mỗi sáng sẽ kiểm soát được triệu chứng nôn và buồn nôn.
6. Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như nước trà gừng tươi, nước đường gừng sẽ giảm stress, giảm khó chịu trong người.

Wednesday, July 3, 2013

Thắc mắc thường gặp khi ốm nghén

Đi cùng với niềm vui sắp được làm mẹ là những lo lắng không ngừng khi mỗi sáng thức dậy, dạ dày trực chỉ muốn tống tất tật mọi thứ được đưa vào ra ngoài; mệt mỏi và kinh sợ ngay cả những món ăn “khoái khẩu”.... Bao băn khoăn mà chẳng biết hỏi ai.

Tại sao tôi thấy mệt mỏi suốt ngày?
Không có bất kỳ một lời giải thích nào cho lý do tại sao bạn cảm thấy mình ốm đến vậy ngoài nguyên nhân là do sự thay đổi sinh lý đang diễn ra trong cơ thể bạn. Những thay đổi này bao gồm lượng ostrogen tăng lên nhanh chóng, axit trong dạ dày dư thừa và sự nhạy cảm đối với mùi vị, dễ mỏi mệt. Một số nhà nghiên cứu cho rằng căng thẳng và những xúc cảm cũng có thể tạo nên chứng ốm nghén.
Biểu hiện của ốm nghén gồm buồn nôn và nôn ọe trong suốt những tháng đầu mang thai. Và không phải chỉ một mình bạn chịu cảnh này. Có 75 - 80% các bà mẹ giống bạn khi mang thai những tháng đầu tiên.
Tình trạng buồn nôn kéo dài bao lâu?
Ngay cả với chính bạn, tình trạng nghén ngẩm sẽ không lần nào giống lần nào ở mỗi lần mang thai.
Cảm giác buồn nôn có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng (tất nhiên là rất hiếm). Tuy nhiên, thường thì khi ở cuối tháng thứ 3, đa phần cảm giác này đều chấm dứt ở các bà bầu. Tuy nhiên, cảm giác buồn nôn vẫn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào trong suốt giai đoạn bầu bí.
Cảm giác này bị tác động mạnh nhất qua mùi vị và không ai giống ai. Đó có thể là mùi khoai tây hay mùi hành chín, cơm nóng.... Và cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng này là tránh xa những yếu tố tác nhân. 


Làm gì khi ăn bao nhiêu, ra hết bấy nhiêu?
Hãy nói chuyện với bác sĩ. Bạn nên nhờ bác sĩ giúp đỡ nếu bạn không muốn ăn, cứ ăn là ói hết. Thật may mắn là tình trạng này rất hiếm và có thể điều trị được.
Nếu bạn cho đây là bình thường, không điều trị, sự nôn ói quá mức này sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng, khử nước và các rắc rối khác cho cả bạn và bé. Bác sĩ có thể giúp bạn giảm thiểu tình trạng này bằng 1 chế độ ăn đặc biệt, nghỉ ngơi hoàn toàn hay thậm chí yêu cầu bạn nhập viện để theo dõi.
Nếu cơ thể thiếu nước trầm trọng, bạn sẽ được truyền nước có chứa chất điện giải. Ngoài ra cũng có các loại thuốc giúp giảm cảm giác buồn nôn, giữ cho thực phẩm không “chạy” ra ngoài mỗi khi bạn ăn vào.
Ốm nghén có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Ốm nghén không đe dọa sức khỏe bé yêu của bạn nếu như bạn không bị ói sạch sau ăn, có chế độ dinh dưỡng cân bằng và uống nhiều nước.
Hầu hết quá trình ốm nghén đều kết thúc tốt đẹp dù trước đó có thế nào.
Nếu cảm thấy ngay cả việc uống vitamin bổ sung dành cho bà bầu cũng là một cực hình thì hãy thử uống cùng với thức ăn, nó sẽ làm dạ dày của bạn “dễ chịu” hơn.
Nếu dạ dày bạn quá “khó tính” thì hãy ăn các loại ngũ cốc có bổ sung vitamin vào mỗi sáng và tăng cường thực phẩm giàu vitamin mà bạn và bé cần trong các bữa ăn hằng ngày.
Đi làm khi ốm nghén?
Nếu không thể nghỉ làm dù đang mệt mỏi với tình trạng ốm nghén, hãy sắp xếp lịch làm việc cũng như thay đổi đôi chút cách đến chỗ làm. Tốt nhất là nên có người đưa đón. Nếu phải đi một mình, hãy chọn các phương tiện công cộng. Hãy đi làm sớm để không phải vội vã. Luôn mang theo giấy ăn bên người.
Nếu làm việc ở những nơi không được thông thoáng, hãy trao đồi với sếp để được chuyển tới khu vực không có khói thuốc lá và thoáng gió. Luôn mang theo khăn ăn và nước mát. Bất cứ khi nào cảm thấy buồn nôn, hãy đổ nước ra khăn tay và đắp lên trán.
Luôn mang theo nước xúc miệng hay kem đánh răng trẻ em (có vị hoa quả) trong túi. Bạn sẽ cần sử dụng chúng thường xuyên trong suốt 8 giờ nơi công sở bởi hơi thở thơm mát sẽ giúp bạn chống lại cảm giác buồn nôn hiệu quả.

Tuesday, July 2, 2013

Bằng lòng với thân hình của mình sau khi sinh con (phần 2)

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà các bà mẹ trẻ khác dành cho bạn
• “Bạn hãy làm gì đó để khiến mình cảm thấy xinh đẹp hơn, ví dụ như đi làm móng tay, mua một bộ quần áo mới, đổi kiểu tóc hay nhuộm tóc hay đi massage mặt.”
 
 
• “Sắm vài chiếc quần lưng thun vừa với bạn nhưng bạn vẫn có thể mặc được khi dáng vóc bạn trở nên gọn gàng hơn.”
• “Diện đồ vào và trang điểm nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy mình giống mình hơn khi được làm những việc mà tôi vẫn thường làm. Đôi khi bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi đến độ bạn chằng muốn thay đồ nữa, nhưng nếu bạn ngồi dậy và thay đồ, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.”
• “Tôi mua cho mình một đôi giày mới. Đó là một cách làm cho tủ quần áo của bạn phong phú hơn mà lại không sợ bị “phá sản””
• “Tôi quá hạnh phúc và quá biết ơn cơ thể mình đã biến giấc mơ của tôi thành sự thật đến nỗi tôi chẳng còn thời gian đâu mà xem coi mình khác xưa thế nào. Tất nhiên sau khi có con cơ thể bạn thay đổi, nhưng tâm hồn tôi cũng thay đổi. Nhờ cho cháu bú mẹ mà tôi giảm được gần 20 kg trong vòng sáu tuần, nhưng cơ thể tôi cũng vẫn chẳng giống như xưa được. Nhưng bạn biết không, tôi hạnh phúc gấp bội”
• “Bạn hãy nhìn nhận rằng cơ thể mình trở nên tốt hơn chứ không phải xấu hơn. Sinh con là một thử thách lớn. Tôi nhận ra rằng mình có thể làm được những điều mà trước đây tôi tôi nghĩ là kông thể. Tôi đã quyết định sẽ tập chạy marathon, vì tôi nhận ra rằng tôi có thể làm được điều đó (tôi vẫn tập thể dục bằng cách chạy bộ) cũng vì tôi mong mình có thể làm được một điều gì đó cho bản thân. Tôi đã mất tới mười giờ đồng hồ để sinh con, chạy bốn, năm giờ thì có là gì?”
• “Bạn hãy tập trung vào những điểm mạnh của mình và tìm cách giấu các khuyết điểm đi. Tôi thường chọn những chiếc áo hơn dài một chút để che phần hông và bụng đi, đồng thời cổ áo dạng chữ V làm tôi cảm thấy tự hào về vòng một nay rất đầy đặn của mình”
• “Bạn đừng đòi hỏi quá cao ở bản thân mình, hãy từ từ, kiên nhẫn. Có thể là bụng bạn vẫn còn to và lúc nào bạn cũng phải mặc chiếc áo ngực cho con bú vốn chẳng mấy hấp dẫn, nhưng biết đâu ông xã lại thấy bạn trông rất bầu bĩnh, đáng yêu thì sao”
• “Bạn đừng buồn vì không mặc được những bộ đồ ngày xưa, thay vào đó, hãy sắm cho mình những món vừa người. Khi mặc chúng bạn sẽ cảm thấy tự tin và xinh đẹp hơn.”

Không mặc vừa đồ cũ? Đừng thất vọng
Hãy sắm cho mình những bộ đồ mới vừa vặn hơn
• “Bạn hãy đi dạo một chút, bây giờ bạn nhẹ nhàng hơn hồi còn mang thai nhiều, không có em bé đè vào phổi bạn, bạn có thể hit thở dễ dàng hơn nhiều. Đối với tôi, cảm thấy khoẻ mạnh cũng là một bài thể dục tốt đấy”
• “Mấy người bạn của tôi nói là đừng nên nhìn xuống dưới bụng, lúc đó tôi chỉ cười. Nhưng bây giờ tôi thấy lời khuyên đó cũng có lý, nếu tôi không mãi phiền muộn về “cái lốp xe” bao quanh vòng bụng của mình, nó biến mất nhanh hơn nhiều”
• “Bạn hãy dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để tắm rửa. Không có gì tệ hơn là cảm giác làn da nhơm nhớp mồ hôi và mái tóc đầy dầu. Sau khi tắm rửa bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn. Trước khi đi ngủ, nếu có điều kiện ngâm mình trong bồn tắm, bạn sẽ ngủ ngon hơn.”
• “Bạn hãy bằng lòng với bản thân mình, và đặt ra cho mình một mục tiêu giảm cân (nhớ là phải hợp lý nhé). Cho dù vóc dáng bạn có như thế nào đi nữa, hãy tự tin, nếu bạn biết cách yêu cản thân mình, những người xung quaynh bạn cũng sẽ yêu mến bạn hơn”

Monday, July 1, 2013

Bằng lòng với thân hình của mình sau khi sinh con (phần I)

Chín tháng mang thai, cơ thể của bạn không chỉ là của riêng bạn. Cho dù bạn đã nghe, đã đọc, đã nhìn thấy những thay đổi của cơ thể thể mình, bạn cũng không thể nào hoàn toàn chuẩn bị đón nhận tất cả những điều này. Nay bé đã chào đời, bạn lại muốn lấy lại vóc dáng từ thời con gái.
 
Bạn hãy nhớ rằng, cơ thể bạn đã thay đổi để làm nên một điều vô cùng kỳ diệu. Dưới đây là một số cách khác giúp bạn cảm thấy tự tin về bản thân và cơ thể mình.

Đừng vội lo lắng về dáng vóc của mình chỉ vài tuần sau khi sinh
Giống như hầu hết các phụ nữ khác, sau khi sinh bé cơ thể bạn sẽ đau nhức khắp nơi, có thể điểm xuyến vào đó là những vết rạn da, chưa kể đến cảm giác mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.
Bạn hãy kiên nhẫn, và nhớ rằng dáng vóc trước đây của bạn, hay tương tự, sẽ quay trở lai với bạn. Thời gian là bao lâu còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi tác của bạn, bạn sinh bé đầu tiên hay đã qua nhiều lần sinh nở, bạn có thường xuyên tập thể dục không, thậm chí yếu tố về gen cũng đóng một vài trò không nhỏ trong việc bạn có thể quay lại với thân hình ngày xưa, có thể mặc lại những bộ đồ bạn đã mặc hay không, và mất bao lâu.
Đúng là có một số người có thể lấy lại phom bụng và có thể mặc lại những trang phục thường ngày của họ chỉ trong vòng vài tuần sau khi sinh, nhưng chuyện đó là rất hiếm và nếu bạn không thuộc vào nhóm này thì bạn cũng đừng mất công so sánh làm gìcho mệt. Hãy nhớ rằng, vòng hông hơi nở nang, phần bụng hơi “êm ái”, vòng eo hơi dày lên một chút là một cái giá quá nhỏ nhoi so với phần thưởng là một em bé vô cùng đáng yêu mà bạn có.
Con là phần thưởng quý giá nhất mà bạn có được
Dần quay trở lại với cuộc sống bình thường
Một số người thường ví von thời gian mang thai thực ra phải là 4 tam cá nguyệt mới đúng. Thật vậy, ban cứ nghĩ rằng những tháng đầu sau khi sinh là một phần của thai kỳ - điều đó sẽ giúp bạn không cảm thấy quá căng thẳng ép mình quay về với những hoạt động thường ngày quá sớm.
Nếu có thể, bạn hãy đặt những công việc như don dẹp và nấu nướng qua một bên trong khoảng từ hai đến 4 tuần để tập trung cho việc nghỉ ngơi và chăm sóc bé. Giấc ngủ là vô cùng quan trọng đối với qua trình hồi phục sức khoẻ cũng như giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái và thư giãn. Khi ngủ hoặc ngồi, bạn hãy gác chân lên cao, đồng thời nhớ uống nhiều nước để loại bỏ hiện tượng phù vốn rất thường xuất hiện trong quá trình mang thai của bạn.
Một khi bạn đã cảm thấy khoẻ hơn, bạn có thể từ từ tập vài động tác thể dục trở lại. Nếu bạn sinh thường, bạn có thể bắt đầu đi lại và làm một vài động tác thể dục nhẹ ngay sau khi xuất viện. Nếu phải sinh mổ thì bạn nên đợi đến đợt tái khám 6 tuần sau khi sinh để bác sĩ tư vấn xem bạn có thể tập thể dục lại chưa. Tuy nhiên hầu hết các bác sĩ đều khuyên bạn nên tập đi lại một chút ngay vài ngày đầu tiên sau khi mổ.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Web Hosting