Sunday, June 16, 2013

Cứ tự tin làm mẹ bản năng

Nuôi trẻ là sự lắng nghe trẻ chứ không phải kinh nghiệm?!
Để khỏi phải xì-trét vì kinh nghiệm (và những mong muốn) của những người khác, cứ tự tin làm mẹ, như là cách mà bạn vẫn hình dung!

Chán nhỉ, mũi nó hơi tẹt!
Không giống nhiều phụ nữ khác, tôi không yêu con trai mình ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. đôi khi, tôi tự trách mình, có phải mình quá lý trí hay mình thiếu tình cảm? Nhưng thú thật, lần đầu tiên nhìn thấy con, tôi còn thoáng chút thất vọng, vì mũi em bé hơi… tẹt!
Suốt mấy ngày đầu mẹ con ở bệnh viện, tôi cũng không biết làm gì nhiều với bé, cho bú thì con không nghe, mà uống sữa bằng bình thì cu cậu cũng có vẻ không thích thú cho lắm. Bà nội thì bảo phải chải lược gì đó cho nhanh có sữa non, bà ngoại thì bảo phải xoa ngực bằng rượu gừng. Người thì bảo thôi, cho bú sữa ngoài đi cho xong chuyện… Mọi thứ cứ rối cả lên quanh chuyện bú mớm.
Thế là con thì đói, mẹ thì hoang mang. Đến ngày thứ tư thì cu cậu lục đục, lúc đầu thì rấm rứt, rồi khóc to, rồi cào cấu… vì đói. Hôm đó các bà có kinh nghiệm thì về cả, trong viện còn mỗi hai vợ chồng trẻ và đứa con còn đỏ hỏn. Tôi quay cuồng giữa đống bình lọ và cái bầu sữa tự nhiên, trong đầu lùng nhùng ý nghĩ về sữa non, mấy câu hát ru và các kinh nghiệm dỗ dành học lỏm được từ chị sản phụ nằm cạnh…
Cứ tự tin làm mẹ bản năng - 1
Nuôi trẻ là sự lắng nghe trẻ chứ không phải kinh nghiệm?! (Ảnh minh họa).

Tôi chợt nhớ đến chiếc máy hút sữa
Chiếc máy này, chuẩn bị từ ở nhà, theo sách, mà trong lúc luống cuống, tôi không nhớ ra. Vậy là cho con ti tạm vài chục ml sữa ngoài cho qua cơn đói, hai vợ chồng hì hụi với cái máy hút sữa. Loay hoay một lúc, cũng hút được vài chục ml sữa màu vàng đục (lúc đấy cũng chưa biết đấy có phải sữa non hay không) để cho con bú.
Từ hôm ấy, cu Bi chính thức nói không với ti mẹ (vì mẹ cũng không đủ tự tin cho con bú nữa) và welcome ti bình. Mẹ chồng chép miệng kêu khổ thân cháu không biết mùi ti mẹ, rằng không cho bú, mẹ con sẽ ít gắn bó, các chị bạn đã có kinh nghiệm nuôi con nói cho ti bình vất vả lắm, nửa đêm lại phải dậy pha sữa, trong khi ti mẹ thì chỉ “vạch ra là xong”…
Nhưng biết làm sao? Tôi tìm thấy niềm vui khác khi cho con ti bình: Luôn luôn biết chính xác con đã ăn được bao nhiêu thay vì thắc mắc chẳng biết có đủ no không, tôi rảnh rang đi ra ngoài lượn lờ mà chỉ cần để lại bình sữa đã vắt trong tủ lạnh.
Con được 4 tháng, mẹ đi làm, cũng chẳng phải mất thời gian để cai ti mẹ, con hoàn toàn có thể được đem gửi hàng xóm với bình sữa hoặc nhanh chóng làm quen với bình sữa ngoài. Đó chẳng phải là cái lợi của máy hút sữa đấy sao?

Cứ tự tin làm mẹ bản năng - 2
Cho con ăn dặm, chẳng có công thức nào (Ảnh minh họa).

Ăn dặm, chẳng có công thức nào!
Cu Bi được 6 tháng, tôi bắt đầu tìm hiểu việc cho con ăn dặm. Các cụ thì bảo đầu tiên là cho ăn bột, rồi bột nghiền rồi cháo rồi cơm. Các công thức của Nhật thì giới thiệu phương pháp 6 tháng ăn nhuyễn, 8 tháng ăn băm, 10 tháng ăn cháo hạt và 1 tuổi ăn cơm… đủ cả.
Tôi quyết định cho con ăn cháo luôn từ đầu để khỏi phải cách rách chuyện bột bẹt, khỏi phải lo chất lượng gạo xay bột của hãng này hãng khác thế nào. Tôi rinh về một chiếc máy xay tay, nấu một nồi cháo trắng, còn các thứ khác thì bữa nào nấu ăn bữa đấy. 6 tháng thì xay nhuyễn cháo với thịt với rau, 8 tháng thì xay lợn cợn hơn một chút, 10 tháng thì chỉ xay rau – thịt rồi chuyển sang ăn rau băm.
Cũng tính chuyện cho con ăn cơm ngay thừ 12 tháng như các bà mẹ Nhật mà tôi hằng ngưỡng mộ, nhưng khi đến 12 tháng, Bi vẫn còn nồng nhiệt với cháo, và cơm thì chỉ đá gà đá vịt. Cho đến khi 16 tháng, Bi tự động bỏ cháo, ăn cơm (và các thứ không phải là cháo) mà không chờ đợi việc chuyển đổi.
Hóa ra, nuôi trẻ, là sự lắng nghe trẻ chứ không phải là kinh nghiệm!
Trẻ con, mỗi bé lại phát triển khác nhau mà không phải đứa nào cũng giống đứa nào. Kinh nghiệm với trẻ này sẽ không thể áp dụng hoàn toàn cho trẻ khác, và vì thế, kinh nghiệm lớn nhất của mẹ là lắng nghe con.

Saturday, June 15, 2013

Bài thuốc dân gian hay trị chứng khóc dạ đề

Nhiều em bé mới sinh hay khóc dạ đề, gây mệt mỏi cho cả bé và cha mẹ.

Dân gian và y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc trị chứng này với các vị thuốc dễ kiếm như gừng tươi, hành, lá vông nem, rau má...
Khóc đêm là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, khiến cho các bậc cha mẹ rất vất vả, phiền lòng. Tuy nhiên, chứng này không có trong danh mục Bệnh nhi khoa trong y học hiện đại, mà chỉ được đề cập trong y học cổ truyền. Vì vậy, khi trẻ mắc chứng khóc đêm, người ta thường tìm đến các thầy lang, hoặc sử dụng một số loại cây cỏ có sẵn ở quanh nhà để chữa theo kinh nghiệm dân gian.
Đông y gọi hiện tượng trẻ nhỏ khóc về đêm là chứng “Tiểu nhi dạ đề”. Mỗi khi đêm đến là trẻ nhỏ bắt đầu khóc, trăn trở khó chịu, ngủ không yên; hoặc trẻ đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Phần nhiều trẻ khóc từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, nhưng cũng có trường hợp trẻ khóc lè nhè suốt cả đêm. Khi trời sáng thì trẻ hết khóc và bắt đầu thiếp vào giấc ngủ. Những trường hợp trẻ quấy khóc về đêm do đói, chăn tã ướt do đái dầm, bị muỗi đốt hoặc côn trùng cắn, hoặc do một số bệnh tật khác, không thuộc phạm vi chứng dạ đề.

Bài thuốc dân gian hay trị chứng khóc dạ đề - 1
Đông y gọi hiện tượng trẻ nhỏ khóc về đêm là chứng “Tiểu nhi dạ đề”. (Ảnh minh họa).

Khóc dạ đề thường là do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ, ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hoặc trước lúc ngủ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh. Trẻ nhỏ bị còi xương và suy dinh dưỡng cũng hay khóc dạ đề.
Theo Đông y, khóc dạ đề chủ yếu do “thần khí” còn chưa phát triển đầy đủ, khả năng thích ứng còn yếu, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ. Một số nguyên nhân khác là tâm nhiệt (tạng Tâm bị nhiệt), tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, chức năng tiêu hóa yếu)...

Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi. Da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng “ôn trung kiện tỳ” (làm ấm, tăng cường tiêu hóa).
Gừng tươi 5 g, đường đỏ 15 g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.
Hành 5-10 củ, để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn, gạo tẻ 25 g, gừng tươi 3 lát. Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được. Chia ra cho trẻ ăn trong ngày.
Bạch truật (sao vàng) 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.

Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm)
Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần làm mát tạng Tâm và giải nhiệt.
Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.
Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15 g, sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt. Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.
Lá tre 5 g, gạo tẻ 25 g. Cách chế và sử dụng: Sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.

Dạng lo sợ bất an (khóc đêm do sợ hãi)
Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.
Hạt sen khoảng 20 hạt, để cả tâm, sắc lấy nước, chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.
Xác ve sầu (Đông y gọi là “thiền thoái”, “thiền y”) 3-5 g, bỏ đầu và chân, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần. Tối đến, lấy mươi ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3 g bột xác ve sầu vào, cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.

Một số cách dùng thuốc đắp bên ngoài
Lá trầu không đặt lên bếp hơ cho ấm, ấp vào rốn trẻ, rồi bế vào lòng, ấp bụng con vào bụng mẹ, để hơi ấm của mẹ truyền sang cho con, một lát sau trẻ sẽ đỡ khóc và ngủ yên. Có tác dụng rất tốt đối với trường hợp trẻ khóc đêm thuộc dạng tỳ vị hư hàn.
Hạt bìm bìm 7-9 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão. Trước khi cho trẻ nằm ngủ, lấy bột thuốc đắp lên rốn, dùng băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề. Nếu không kiếm được hạt bìm bìm ở quanh nhà, có thể mua ở cửa hàng Đông dược.
Tại những nơi nuôi tằm, nên nhặt lấy những con tằm tự nhiên bị chết cứng (do bị nhiễm một loại khuẩn), cong queo, màu trắng nhờ hay hơi lốm đốm trắng, đem sấy khô, cất vào lọ nút kín dùng dần. Dân gian gọi loại tằm đó là “tằm vôi”, Đông y gọi là “bạch cương tàm”, “cương tàm”, “cương trùng”, “thiên trùng”... Khi trẻ mắc chứng khóc đêm, trước khi đi ngủ, lấy mấy con tằm, cho vào bát giã nát, hòa với chút rượu, hơ cho ấm, đắp vào hai gan bàn chân của trẻ, rồi dùng băng hoặc băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề.

Thursday, June 13, 2013

Sai lầm nguy hiểm khi chăm sóc rốn bé

Không ít bé sơ sinh bị viêm rốn có mủ, uốn ván rốn, u hạt rốn... do cha mẹ chăm sóc sai cách.

Trẻ sơ sinh vốn rất nhỏ bé và cần được chăm sóc đúng cách, vì vậy đây là thử thách không nhỏ, nhất là với những người mới lần đầu làm cha mẹ. Trong các bước chăm sóc trẻ sơ sinh, vệ sinh và chăm sóc cuống rốn như thế nào cho đúng khiến không ít ông bố bà mẹ trẻ băn khoăn, lo lắng, bởi vệ sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng viêm rốn, nhiễm trùng rốn gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bé.

Sai lầm thường gặp trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh
Một trong những quan niệm sai lầm về việc chăm sóc rốn cho bé là băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Nhưng trái lại, việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ …

Ngoài băng kín rốn, nhiều mẹ khi thấy rốn của con gần rụng, chỉ còn dính một phần rất nhỏ với cuống rốn đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Cách làm này có thể gây tổn thương nguy hiểm và nghiêm trọng cho bé. Có nhiều bà mẹ lại quá vệ sinh, tắm và lau rửa rốn cho bé thường xuyên mà không biết rằng, chăm sóc sai phương pháp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn lâu rụng hay viêm nhiễm rốn ở con.
Chưa kể, các bà các mẹ nuôi con theo quan niệm cũ còn tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu  v.v… lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm cho rốn mau rụng. Chính sự thiếu hiểu biết này là nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn nặng, khó điều trị và để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da. T

Sai lầm nguy hiểm khi chăm sóc rốn bé - 1
Chăm sóc rốn bé đúng cách là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh

Trường hợp của bé trai Châu Trần T.T, 17 ngày tuổi được điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 là ví dụ điển hình cho sự thiếu hiểu biết của gia đình. Bé T.T nhập viện trong tình trạng ngưng thở, tím tái. Dù người nhà cho biết bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng đủ chuẩn, bé khỏe mạnh, bú tốt, được băng rốn rất kín, nhưng khi thăm khám thấy cuống rốn còn ướt, chưa rụng, kiểm tra thấy rốn bé được đắp bằng chất thuốc màu đen. Hỏi bệnh kỹ, bác sĩ phát hiện ra mẹ bé nghe theo lời mách bảo của người quen nên đã đắp cuống rốn bé bằng sái á phiện để làm khô rốn, làm bé bị ngộ độc sái á phiện nặng, có nguy cơ tử vong cao. Rất may nhờ sự cứu chữa tận tình của bác sĩ nên sau đó bé đã phục hồi và xuất viện.

Theo các bác sĩ tại bệnh viện, ngộ độc sái á phiện rất nguy hiểm vì có thể để lại di chứng não suốt đời, thậm chí tử vong, trong khi bố mẹ lại thường dấu giếm, không nói rõ chất thuốc đã đắp vào rốn bé, dẫn đến khó chuẩn đoán sớm, ảnh hưởng kết quả điều trị.

Cảnh giác với nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh
Khi còn trong bụng mẹ, bé nhận chất dinh dưỡng và oxy qua nhau thai bám vào thành trong tử cung mẹ, nhau thai được nối với em bé bằng dây rốn thông qua một lỗ nhỏ trên bụng của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn không còn tác dụng gì và được cắt bỏ. Thông thường, dây rốn sẽ tự khô và rụng trong vòng từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian rốn chưa khô rụng, nếu không được chăm sóc tốt, bộ phận này sẽ là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, gây nhiễm khuẩn. Các nhiễm khuẩn rốn thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh gồm các loại sau:

Viêm rốn có mủ. Các mẹ có thể phát hiện bé bị viêm rốn có mủ khi thấy những triệu chứng sau: chân rốn bé bị tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt, chảy mủ vàng và lâu rụng. Bé có thể bị sốt hoặc không, quấy khóc, không chịu bú … Nếu thấy bệnh biểu hiện nhẹ, các mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách thay băng hàng ngày cho bé, nặn hết mủ, rửa rốn bằng dung dịch oxy già, sau đó lau khô rồi rắc bột kháng sinh, dùng băng gạc vô trùng băng lại. Tuy nhiên nếu biểu hiện bệnh nặng, bé sốt cao, bỏ bú, toàn thân mệt mỏi, suy sụp … cần phải đưa bé đến ngay cơ sở y tế.

Viêm mạch máu rốn. Mạch máu rốn gồm 2 động mạch, 1 tĩnh mạch. Sau khi bé ra đời, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 - 8 tuần sau khi sinh, có trường hợp đến 9 – 11 tuần. Nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm. Các động mạch này càng dễ bị viêm nhiễm hơn nếu sau khi cắt rốn, máu ở khu vực này còn tồn đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Do đó, khi  thấy thành bụng phía dưới rốn bị phù nề, tấy đỏ, mẹ vuốt thành bụng theo chiều từ xương mu lên rốn thấy mủ chảy ra, bé quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi … có thể bé đã bị viêm động mạch rốn. Ngược lại, khi vuốt thành bụng từ mỏm ức xuống rốn thấy mủ chảy ra, thành bụng phía trên rốn tấy đỏ, phù nề, bé có thể đã bị viêm tĩnh mạch rốn. Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm, vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết, vì  vậy, các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nếu phát hiện các triệu chứng trên để được chữa trị kịp thời.

Sai lầm nguy hiểm khi chăm sóc rốn bé - 2
Nhiều phụ huynh có thói quen bôi thuốc tự chế vào rốn của bé 

Uốn ván rốn. Đây là bệnh nguy hiểm, bởi nếu nặng, bé có thể bị co thắt do các cơ thở, dẫn đến tử vong. Khi bị uốn ván rốn, bé sẽ sốt, bỏ bú, sau đó cứng hàm, co cứng toàn thân, hai tay nắm chặt. Nếu có các tác nhân tác động như ánh sáng, âm thanh sẽ làm gia tăng thêm tình trạng co giật.

U hạt rốn. Mặc dù cuống rốn đã rụng nhưng vùng chân rốn vẫn bị rỉ dịch vàng kéo dài, bé không có dấu hiệu sốt, hoặc sưng, nóng đỏ vùng rốn. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, u hạt rốn có thể kéo dài dẫn đến nhiễm trùng rốn.

Chăm sóc rốn đúng phòng ngừa viêm nhiễm
Như vậy việc chăm sóc rốn tốt hay không sẽ quyết định trực tiếp đến sức khỏe của bé, vì vậy mà các mẹ cần phải cẩn thận hơn trong việc vệ sinh rốn. Có một số lưu ý trong chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh mà các mẹ cần tham khảo như sau:

Chăm sóc đặc biệt cuống rốn. Cuống rốn của bé cần phải luôn được giữ sạch và khô ráo. Các mẹ nên gấp tã bé bên dưới cuống rốn để rốn có thể tiếp xúc với không khí. Tránh tuyệt đối việc làm dính nước tiểu hoặc phân vào cuống rốn bé, đồng thời làm sạch đáy rốn cho bé bằng miếng bông hoặc gạc thấm một ít cồn sát khuẩn 1 – 2 lần mỗi ngày.

Thời tiết nóng, các mẹ chỉ cần mặc cho bé tã và áo phông rộng để không khí lưu thông và làm tăng tốc độ cho quá trình làm khô rốn. Các mẹ cũng nên tránh mặc áo lót bó sát cơ thể bé cho đến khi cuống rốn đã rụng. đặc biệt cần lưu ý không được cố gắng kéo đứt dây rốn, ngay cả khi nó có vẻ rất lỏng lẻo và sự gắn kết chỉ còn một chút xíu.

Tránh phần rốn khi tắm. Trước khi tắm cho bé, mẹ hãy rửa sạch tay bằng xà bông để vi khuẩn không xâm nhập vào cơ thể bé. Nếu không đảm bảo vệ sinh, phần cắt của dây rốn rất dễ nhiễm trùng có thể gây nên bệnh uốn ván - một trong những tai biến nặng dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Trong thời kỳ rốn của bé chưa rụng, nên cẩn thận không để nước thấm vào cuống rốn dễ gây nhiễm trùng. Các mẹ cũng nên tắm lần lượt từng bộ phận, từ đầu đến chân, không nên đặt bé vào thau. Ngoài ra, bạn có thể dùng khăn ẩm vệ sinh cơ thể bé, tránh phần rốn.

Băng rốn đúng cách cho bé. Sau khi tắm, các mẹ bạn nên thay băng rốn cho bé ngay. Lưu ý cần vô trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi gỡ bỏ gạc bao rốn cũ của bé. Dùng bông tăm thấm dung dịch Povidine lau sạch từ đầu rốn đến chân rốn, sau đó đắp băng gạc mới lên và dùng gạc băng cố định lại. Các mẹ nên nhớ là việc tắm rửa hay thay gạc rốn cho bé đều cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng. Không được  băng rốn quá chặt vì ngoài việc làm cho bé khó chịu nó còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Việc vệ sinh rốn của bé cần được thực hiện hàng ngày cho đến khi cuống rốn khô và rụng.

Đừng nôn nóng khi rốn bé không rụng vào thời điểm dự tính. Thời gian rụng rốn ở mỗi bé là rất khác nhau, vì vậy các mẹ không nên dùng tay kiểm tra hoặc giật dây rốn lên. Đến khi cuống rốn rụng, các mẹ có thể phát hiện một chút máu trên tã, điều này là bình thường nên đừng vì quá lo lắng mà dùng các loại thuốc bôi hay rắc vào rốn bé nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu cảm thấy lo lắng vì rốn bé chậm rụng hơn bình thường, bạn có thể đưa bé đến bệnh viện để khám.

Luôn quan tâm đến các dấu hiệu quanh rốn bé. Các mẹ đừng nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào của bé. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh khu vực rốn của bé như sưng tấy, rỉ dịch mủ vàng, chảy máu, sốt hoặc ít bú thì hãy đưa bé đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Wednesday, June 12, 2013

Thuốc quý cho phụ nữ sau khi sinh

Sau khi đẻ, phụ nữ thường yếu sức, mệt mỏi... theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều phương thuốc đơn giản, hữu hiệu và không gây tác dụng phụ để khắc phục tình trạng này
 
Thuốc làm phục hồi nhanh sức khỏe
Ở miền núi, có các cây bổ béo, khế rừng, củ gió đất.
Rễ bổ béo: Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ gốc, đầu rễ và rễ con, thái mỏng, ngâm nước vo gạo trong 24 giờ, rửa sạch nhiều lần rồi phơi hoặc sấy khô.
Sau đó, tẩm rễ với nước gừng với tỷ lệ 50g gừng tươi trong 100ml nước, đun nóng 10-15 phút, lấy ra, phơi khô, rồi lại ngâm nước gừng cho đến khi hết nước tẩm.
Để nguội, lại phơi nắng hoặc sấy cho thật khô, sao vàng. Ngày dùng 10-20g dưới dạng nước sắc (kinh nghiệm của dân tộc Mường).

Thân và cành khế rừng: Thu hái quanh năm, tuốt bỏ lá, rửa sạch (đối với thân và cành to chỉ dùng vỏ, còn cành nhỏ thì để nguyên), thái mỏng, phơi khô, sao vàng. Khi dùng lấy 20-40g dược liệu giã nhỏ, hãm với nước sôi, uống đều hằng ngày thay nước chè trong vài tuần.
Thuốc có mùi thơm nhẹ, rất dễ chịu (kinh nghiệm của các dân tộc Tày và Dao).

Củ gió đất: Đào về, tước bỏ những phiến của lá bắc và bao hoa, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao qua rồi ngâm rượu với tỷ lệ 1/5 trong một tháng hoặc càng lâu càng tốt. Rượu có màu đỏ thẫm, thơm, vị hơi chát, đắng.
Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn. Thêm đường cho dễ uống.



Thuốc làm tăng tiết sữa
Dùng độc vị, theo các tài liệu cổ (Nam dược thần hiệu và Bách gia trân tàng):
- Hạt mùi nấu với gạo nếp thành cháo ăn đều hằng ngày.
- Rau đay (150-200g) nấu canh ăn hằng ngày trong tuần đầu tiên sau khi đẻ; các tuần sau, mỗi tuần ăn hai lần với liều 200-250g.
- Quả vả phơi khô hoặc sấy giòn, tán bột, rây mịn. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 12g với nước đun sôi để nguội vào lúc đói. Dùng 3-5 ngày.
- Dùng phối hợp, lõi thông thảo (10-20g) bào mỏng thành sợi (y học cổ truyền gọi là ty thông thảo), chân giò lợn (1 cái) hoặc móng giò lợn (2-5 cái), gạo nếp (30-50g).
Chân giò hoặc móng đem chặt nhỏ, nấu thật nhừ rồi cho thông thảo và gạo nếp vào. Tiếp tục nấu trong một giờ đến khi nhừ nhuyễn, thêm gia vị, để nguội, ăn trong ngày. Dùng 3 ngày, nếu cần có thể dùng thêm vài ngày nữa.
Hoặc thông thảo 10g, hạt bông 12g (sao vàng), cám gạo nếp 10g (sao), sắc uống.

Thuốc phòng chống chứng sản hậu
- Nghệ vàng 300g (giã nát), trộn với 3-4 lít nước, ngâm trong vài giờ, thỉnh thoảng khuấy đều, rồi gạn. Lấy 1 kg gạo nếp đã vo kỹ vào nước nghệ, ngâm trong 5-7 ngày đêm (ngày phơi, đêm ngâm). Vớt gạo ra, hong khô, rồi rang khô giòn, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1-2 thìa cà phê.
- Nga truật (nghệ đen), hương phụ mỗi vị 100g; quả quất non 50g, cắn nước tiểu 5g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn, rồi luyện với mật làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.
- Mần tưới, mạch môn mỗi vị 20g; ngải cứu 10g; nhân trần 6g, rẻ quạt, vỏ bưởi đào mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một thang. Dùng 10 ngày.
- Sâm đại hành, thanh ngâm mỗi vị 100g, nghệ vàng 200g. Thanh ngâm sắc lấy nước đặc; sâm và nghệ sấy riêng từng thứ, tán bột. Ngày uống 20g sâm và 20g nghệ với nước sắc thanh ngâm.

Monday, June 10, 2013

Giảm béo sau sinh

Nhiều bà mẹ trẻ sau khi sinh xong thường không hoặc lâu lấy lại được dáng vóc của mình. Hãy tìm cho mình phương pháp giảm béo hiệu quả, an toàn mà không gây béo trở lại, chẳng hạn như phương pháp thông khí huyết.
Trung bình mỗi phụ nữ khi mang thai chỉ nên tăng từ 10 đến 12 kg là có thể bảo đảm sức khỏe của con và mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiểm soát tốt cân nặng của mình.

Ngày nay, các bà bầu thường tăng 16 kg, cá biệt có những người tăng trên 20kg. Trên thực tế, ngay cả khi bạn tăng cân theo chuẩn, thì việc lấy lại dáng vóc đã rất khó khăn, trong khi đó, số người tăng cân nhiều lại chiếm đa số.

Thế nhưng, không có nghĩa là bạn mất hy vọng, hoặc bi quan về sự phục hồi của mình. Có rất nhiều cách giúp bạn lấy lại vóc dáng sau khi sinh.

Trước hết, trong thai kỳ, bạn nên chịu khó theo dõi sách báo, hoặc tham gia các lớp tiền sản để có được kiến thức và học các bài tập giúp cơ thể phục hồi nhanh. Các phương pháp giảm béo sẽ càng có hiệu quả hơn khi cơ thể bạn khỏe mạnh sau sinh.

Sau đó, bạn nên tìm hiểu về phương pháp giảm béo bằng thông khí huyết. Đây là một phương pháp hiệu quả và an toàn lại khó có thể béo trở lại.

Phương pháp này dựa trên nguyên lý phục hồi các chức năng trong cơ thể, thông qua việc massage, bổ sung nguồn năng lượng khí huyết cho cơ thể, khai thông các huyệt đạo, bài trừ độc tố, điều chỉnh quá trình bài tiết, rối loạn nội tiết và các chức năng nội tạng, giúp cơ thể có đựơc trạng thái tốt nhất.

Quá trình giảm béo còn sử dụng sản phẩm được chiết xuất từ đông trùng hạ thảo, quế, gừng… có tác dụng làm phân giải mỡ. Phương pháp này còn tích hợp nhiều hình thức trị liệu như đốt mỡ, tiêu mỡ, phân giải mỡ và massage đẩy mỡ ra ngoài.
Giảm béo bằng phương pháp thông khí huyết.
Các liệu trình nối tiếp nhau có thể giúp các bà mẹ trẻ đạt được các hiệu quả như thông khí huyết, thông kinh mạch, bài tiết nước thừa, giải phóng mỡ, giúp khách hàng có thể đạt được hiệu quả giảm béo như ý mà lại an toàn, hiệu quả, nhanh gọn. Bạn có thể giảm vòng bụng từ 10 đến 20 cm và 5-8 kg, nếu trị liệu liên tục trong 20 ngày.

Đặc biệt, phương pháp này về lâu dài sẽ giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn uống, tích trữ năng lượng thái quá như ban đầu. Do đó, cơ thể bạn vẫn sẽ được cung cấp dưỡng chất đầy đủ mà không bị tích mỡ thừa. Nhờ vậy, bạn sẽ ít có nguy cơ bị béo trở lại.

Bạn có thể yên tâm hoàn toàn với phương pháp giảm béo bằng thông khí huyết bởi nó sẽ làm da dẻ hồng hào và kinh nguyệt đều đặn hơn, chứ không lây bệnh truyền nhiễm, hoặc biến chứng bất thường. Các bà mẹ có thể thực hiện phương pháp này một tháng sau khi sinh con mà không ảnh hưởng đến quá trình cho con bú.

Được & mất sau khi sinh

Sinh con có thể khiến bạn phát phì. Nhưng nó cũng đồng thời giúp bạn thông minh hơn, giảm stress và ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư.

Mặc dù trong 3 tháng đầu sau khi sinh, chứng đãng trí có thể khiến các bà mẹ trẻ không thể tìm được lối ra ở siêu thị, hoặc cất chìa khóa xe trong tủ lạnh, thì các nhà nghiên cứu cho biết, về sau trí nhớ và khả năng làm việc của họ sẽ được tăng cường.
Thực tế, đó chỉ là một trong những lợi ích của việc sinh con đối với người mẹ, và đôi khi là cả người cha. Nhưng cũng có những hạn chế về mặt sức khỏe, chẳng hạn như bị gia tăng vòng eo. Sau đây là những mặt lợi và hại khi sinh con.

Lợi ích
1. Thông minh hơn
Mặc dù tình trạng hay quên xảy ra khi bạn mang thai và sinh nở, nhưng nó chỉ là hiện tượng nhất thời, bắt nguồn từ việc thiếu ngủ. Một nhà khoa học thần kinh Australia cho biết, trí nhớ của phụ nữ không hề bị giảm khi mang thai, chẳng qua là mối quan tâm của họ được dành cho những thứ quan trọng hơn, như đảm bảo đứa con luôn được khỏe mạnh.

Một nghiên cứu khác tại Mỹ cũng khẳng định thực ra những phụ nữ sinh con còn thông minh hơn. Vùng não hippocampus chịu trách nhiệm về trí nhớ, học tập và cảm xúc, phát triển thêm nhiều kết nối thần kinh hơn khi mang thai, để giúp người mẹ hòa hợp tốt hơn với môi trường khắt khe mới.
Đó cũng là lý do vì sao một bà mẹ có thể vừa nhét quần áo vào máy giặt, vừa đút thìa bột cho con, vừa nhắc nhở ông chồng đã quên mua thứ gì ở siêu thị. Tất cả cùng xảy ra đồng thời.
Việc làm mẹ cũng mang lại cho phụ nữ cái nhìn tinh tế hơn. Có thể điều này giúp bảo vệ đứa con khỏi những mối nguy tiềm ẩn.

 
2. Giảm stress
Điều này nghe có vẻ ngạc nhiên bởi việc xuất hiện thêm một thành viên mới trong nhà kéo theo bao trách nhiệm, lo âu. Và không chỉ bà mẹ bị stress mà cả các ông bố cũng vậy.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho biết hầu hết những người làm mẹ lại ít bị stress hơn so những ai không sinh con. Lý do bắt nguồn từ hoóc môn oxytocin được sản xuất nhiều hơn khi phụ nữ trở dạ và tiết sữa. Hoóc môn này hoạt động như một chất chống trầm cảm tự nhiên, ngăn chặn việc tiết ra hoóc môn stress.

3. Giảm nguy cơ ung thư
Các nhà khoa học Anh đã chứng minh nguy cơ bị ung thư vú giảm 7% với mỗi lần sinh; nguy cơ bị ung thư buồng trứng giảm 40% khi sinh đứa con đầu, và 55% khi sinh con thứ hai. Ngoài ra, đứa con đầu cũng giúp triệt tiêu 30% khả năng bị ung thư dạ con.
Các nhà nghiên cứu giải thích một trong những yếu tố gây ung thư liên quan tới việc gia tăng oestrogen khi bị hành kinh, mà điều này sẽ chấm dứt khi mang bầu và cho con bú.
Tuy nhiên việc sinh nhiều con cũng đẩy bà mẹ vào nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân của việc này thì vẫn chưa rõ.
Tác hại
1. Tăng cân
Hầu hết các bà mẹ đều rất vất vả trong việc giảm cân sau khi sinh. Cho dù có nhiều lý do được đưa ra thì thực tế vẫn là bạn béo vì bạn ăn quá nhiều. Nhiều phụ nữ lấy lý do mang thai để ăn thả phanh, nhưng thực tế bạn chỉ cần bổ sung những thứ cần thiết chứ không phải ăn cho 2 người. Việc tăng cân có thể dẫn tới một loạt nguy cơ như bị viêm khớp xương, tiểu đường và bệnh tim.

2. Bệnh về răng lợi
Việc mang thai tạo nên sức ép lớn đối với cơ thể, nhưng không vì thế nó lấy đi mất canxi từ răng. Đó chỉ là những sự suy diễn không có căn cứ khoa học của các bà mẹ.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là sinh con không gây tổn hại cho răng. Phần lớn chúng ta đều bị bệnh viêm lợi nhẹ. Khi có sự xáo trộn hoóc môn xảy ra lúc mang thai, tình trạng này sẽ tồi tệ hơn.
Dấu hiệu đầu tiên là chảy máu chân răng. Nếu không được điều trị, răng của bạn sẽ bị lung lay và rụng.

3. Mất khả năng nói mạch lạc
Những ai làm cha mẹ đều có thể hiểu được sự mệt mỏi rã rời khi chăm sóc con ở năm đầu đời. Nguyên nhân là bởi vỏ não trước bị ảnh hưởng do sự thiếu ngủ gây ra. Vùng não này chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và tư duy.
Những người bị thiếu ngủ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra ngôn từ. Thực tế rằng tất cả những gì các bà mẹ nói đều chỉ tập trung vào đứa con mình không hẳn là một dấu hiệu của việc yêu con, mà còn là do họ không thể tập hợp được những suy nghĩ khác phức tạp hơn.
Việc mất ngủ không chỉ khiến chúng ta mệ mỏi mà còn làm giảm hệ miễn dịch. Vì vậy việc các bà mẹ cũng dễ bị lây cúm từ con, do hàng rào phòng ngừa bệnh tật của họ đã bị tổn hại.

Sunday, June 9, 2013

Vì sao cần kiểm tra sức khỏe sau sinh

Vậy là cuộc vượt cạn của bạn đã suôn sẻ, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình gian nan tiếp theo đấy! Tất cả các bà mẹ đều được hẹn thăm khám sau 6 tuần sinh con, vậy việc kiểm tra sức khỏe sau sinh thực chất có ý nghĩa gì?
Vậy là cuộc vượt cạn của bạn đã suôn sẻ, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình gian nan tiếp theo đấy! Tất cả các bà mẹ đều được hẹn thăm khám sau 6 tuần sinh con, vậy việc kiểm tra sức khỏe sau sinh thực chất có ý nghĩa gì?
Tổng kiểm tra cho mẹ và bé
Kiểm tra sức khỏe của mẹ:
-    Khám hai bầu vú và núm vú xem có gì bất thường hay không
-    Xét nghiệm nước tiểu
-    Đo lại chỉ số cân nặng
-    Đo huyết áp
-    Khám sản dịch
-    Xử lý và thăm khám vết cắt âm hộ
-    Thăm khám vùng chậu để xem tử cung co lại thỏa đáng hay chưa.


Kiểm tra sức khỏe của bé:

- Đo cân nặng, chiều cao
- Đo vòng đầu và kiểm tra bên trong để xác định vị trí xương sọ.
- Quan sát kỹ gương mặt của bé để phát hiện có dấu hiệu dị tật bẩm sinh hay không.
- Bắt mạch, xem nhịp tim, hơi thở của bé
- Kiểm tra tay, chân bé
- Kiểm tra xương sống và quan sát bụng để phát hiện các bất thường về kích cỡ gan, thận…
- Kiểm tra bộ phận sinh dục của cả bé trai và bé gái để phát hiện các dị tật nếu có.
Lý do của việc tổng kiểm tra sức khỏe sau sinh: Đây là điều bắt buộc phải làm đối với tất cả các bà mẹ, bạn phải có trách nhiệm với chính bản thân và con của mình. Hơn nữa có rất nhiều thai phụ bị chứng trầm cảm sau sinh vì thế, việc kiểm soát này không chỉ dừng lại ở thể chất mà còn cả tinh thần của người mẹ và cá bài tập yoga cực kỳ có ích cho  họ. Từ 3-6 tuần sau sinh, sản dịch sẽ vẫn chảy ra, ban đầu sản dịch có màu đỏ rồi chuyển sang nâu rồi nhạt dần thành trắng và cuối cùng là trở lại tiết dịch bình thường.
Bác sĩ khuyến khích bạn nên đi tiểu càng sớm càng tốt sau sinh để giúp cơ thể thải bớt độc tố, mặc dù việc này khiến bạn đau rát nếu phải cắt tầng sinh môn. Nên bổ sung trái cây chứa nhiều chất xơ để đại tiện được dễ dàng hơn.
Đối với tử cung của thai phụ sau sinh, đa phần nó sẽ bị co thắt để trở lại trạng thái ban đầu do đó bạn sẽ phải trải qua triệu chứng đau tử cung sau sinh. Không nên quá lo lắng vì nếu bạn đau nhiều, việc co thắt mạnh mẽ này là dấu hiệu tốt để bạn không bị xuất huyết sau sinh.

Ngoài Kegel, bạn cũng có thể tập yoga để cân bằng tinh thần.
Tập luyện sau sinh
Hầu hết các thai phụ dễ bỏ qua việc luyện tập sau sinh do bận bịu với việc chăm sóc bé, tuy nhiên để giúp phục hồi cơ bụng, vùng chậu và dĩ nhiên là sở hữu một thể lực khỏe mạnh.
Phương pháp hiệu quả và được khuyến khích nhất chính là các bài tập Kegel. Bạn cũng biết rằng cơ vùng chậu vốn làm nhiệm vụ đặc biệt là nâng đỡ các cơ quan như tử cung, ruột, bàng quang…

Việc giữ cho cơ bắp vùng chậu mạnh khỏe sẽ giúp bạn duy trì tốt đời sống gối chăn, loại trừ bệnh sa tử cung và són tiểu.
Một số động tác Kegel đơn giản giúp luyện khung xương chậu:
-    Nằm ngửa, 2 chân co lên cao rồi từ từ dang ra.
-    Hãy nâng các cơ bắp vùng chậu và tập trung vào các cơ vòng âm đạo.

-    Giữ chặt rồi lại nhả ra nhiều lần.
-    Khép chặt 2 mông, ưỡn người nhấc lên từ từ.
Một lưu ý nữa là bạn cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, sau sinh bạn vẫn còn rất mệt mỏi do thể tích máu bị giảm đến 30% so với lúc trước, cơ bắp chảy nhão hơn vì thiếu oxygen.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Web Hosting