Thursday, May 23, 2013

Muôn kiểu đau đẻ của bà bầu


Đau đẻ thì ai cũng biết rồi. Kể cả những người chưa sinh con bao giờ cũng từng được nghe kể về cơn đau “banh da xé thịt” khi trở dạ. Nhưng đó chỉ là kể thôi, chứ có ngồi trong phòng chờ sinh ở bệnh viện mới biết muôn hình muôn vẻ của các kiểu đau đẻ thế nào.

Khóc mếu
Đó là khi mới bắt đầu cơn đau, và các mẹ còn đủ sức để mà mếu máo. Hơn nữa, lúc này còn chồng hoặc người thân ở cùng nên còn khóc được. Như Thùy An chẳng hạn, lúc mới đau thì chỉ sụt xịt. Lúc sau thì mặt mũi méo xệch, chồng vừa hỏi han cái là nước mắt chảy ròng ròng. Đến khi bị chị y tá quát: “Sao chưa gì đã khóc bù lu thế này thì lát nữa sức đâu mà rặn đẻ hả?”, lúc ấy An mới cố nín khóc.

Muôn kiểu đau đẻ của bà bầu - 1
Khóc lóc chỉ khiến bạn khó sinh hơn mà thôi (Hình minh họa)

Còn Thoa (Đống Đa) thì khóc vì …sợ! Thoa  kể: “Lần đầu sinh con nên mình khá lo lắng. Thế nên được chồng đưa đến viện ngay khi có hiện tượng “máu cá” dù chưa hề xuất hiện cơn đau. Ngồi trong phòng chờ, dù mới chớm thấy đau nhưng nhìn các mẹ khác vật vã, mình sợ quá ôm chồng khóc tu tu. Giờ nghĩ lại thấy buồn cười quá.
Đôi khi trong phòng đẻ, không chỉ chị em khóc lóc mà các ông chồng cũng có khi rơi nước mắt. Chứng kiến vợ vật vã vì đau khiến họ mủi lòng. Đây là điều rất thường gặp ở phòng chờ sinh.
Ôm chân giường
Trong phòng chờ sinh, nếu có chồng hay người thân bên cạnh thì còn đỡ. Chứ như Thủy (Cát Linh), vì bệnh viện không cho người nhà vào phòng chờ cô phải chịu đựng những cơn đau một mình. Không có chồng để bấu víu, lúc đau quá, Thủy ngồi phệt xuống sàn, ôm chặt cái…chân giường cho đỡ đau. Chồng cô đứng ngoài nhìn vào, vừa thương vợ lại vừa buồn cười. Mà đâu chỉ riêng Thủy, nhiều chị khác trong phòng cũng thế, ai cũng cố kiếm một chỗ víu lấy như để đỡ đau. Buồn cười hơn, có chị đang bám vào tường để đi lại thì lên cơn đau, vậy là cứ thế dang hai tay ôm cả khoảng tường từ cửa ra vào đến cửa sổ. Hết cơn lại tiếp tục bám tường để đi.

Muôn kiểu đau đẻ của bà bầu - 2

La hét
Đây là kiểu thường gặp nhất trong phòng chờ sinh. Thông thường, ai bị đau mà chẳng la. Huống chi là cơn đau như xé thịt, nên các bà bầu chuẩn bị sinh thường có xu hướng kêu gào…càng to càng tốt. Dù ai cũng biết là điều đó là không nên.
Hoài Anh (Dịch Vọng) kể: “Trước sinh mình đã đi học lớp tiền sản, được hướng dẫn là không nên kêu la. Nhưng ngồi trong phòng chờ sinh rồi mới biết cơn đau khủng khiếp thế nào. Bao nhiêu kiến thức học được bay đi đâu hết, mình chỉ còn biết gào lên khi cơn đau kéo đến. Sau đấy được chị hộ sinh nhắc nhở, mình mới phải cố chịu. Tuy vậy có lúc đau quá không chịu được là mình lại rên rỉ".

Muôn kiểu đau đẻ của bà bầu - 3
Lúc đau quá, nhiều bà bầu chẳng nhớ gì ngoài việc la hét (Hình minh họa)

Có nhiều người thường đùa, ở bệnh viện thì phòng chờ sinh bao giờ cũng “ầm ĩ” nhất. Cũng phải, vì hầu hết các bà bầu đang trở dạ đều la hét, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ chia sẻ rằng, họ không cảm thấy quá đau khi trở dạ. Họ thậm chí chẳng kêu tiếng nào vì cơn đau lúc ấy hoàn toàn có thể chịu được. Đó thực sự là những bà bầu “im ắng” nhất trong phòng.
Đập đầu vào tường
Khi không thể chịu nổi những cơn đau quá mức, nhiều bà bầu chẳng còn nghĩ được hết, ngoài việc làm bất cứ điều gì để bớt đau hơn. Trang (Chùa Bộc) kể: “Cơn đau càng ngày càng dồn dập và mạnh hơn, có lúc không chịu nổi mình gục vào tường rồi đập đầu “cộc” một cái. Tưởng như tạo ra cơn đau ở chỗ khác thì con đau tử cung sẽ bớt đi vậy. Nếu không có ai lôi ra chắc mình đập đến chảy máu đầu ra mất.
Ngủ gật
Đau đớn là vậy, nhưng có những người vì đau quá lâu nên mệt mỏi, vậy là lúc hết cơn họ có thể ngủ gà ngủ gật! Sau đó lại rên rỉ với cơn đau tiếp theo rồi thiếp đi.
Đó là một số kiểu đau đẻ chúng ta có thể bắt gặp tại phòng chờ sinh. Mỗi người mỗi kiểu, đôi khi đau đớn gây ra cho bà bầu những phản ứng kiểu “dở khóc dở cười”. Tuy nhiên, có những phản ứng tiêu cực hoàn toàn không tốt cho bà bầu. Hãy nghe những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia để có được những điều tốt nhất.
Lời khuyên cho mẹ bầu sắp trở dạ
- Không nên khóc lóc: vì sẽ làm cho tử cung co bóp thiếu lực, hoặc cổ tử cung không thể mở rộng. Điều đó gây ra hiện tượng đình trệ trong quá trình sinh sản. Khóc nhiều cũng làm cho đầu thai không thuận lợi hạ xuống theo chức năng sinh đẻ bình thường được hoặc thai nhi xoay chuyển bên trong dẫn đến khó sinh.
Muôn kiểu đau đẻ của bà bầu - 4
Đừng la hét vì bạn sẽ chẳng còn sức mà rặn đẻ đâu (Hình minh họa)

- Tránh la hét: Nhiều bà bầu nghĩ rằng la hét “càng to càng tốt” có thể khiến cơn đau giảm đi. Thật sai lầm! Vì việc la hét trong lúc sinh chỉ làm sản phụ bị tiêu hao năng lượng và sức lực đồng ảnh hưởng đến việc dùng lực bình thường của sản phụ, kéo dài quá trình sinh con. Việc la hét làm cho sản phụ bị mệt mỏi, không còn sức để rặn đẻ nữa. Điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm cho em bé. Hơn nữa, khi la hét, sản phụ thường nuốt một lượng khí lớn vào trong, dẫn đến ruột bị đầy hơi. Ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày và ruột, đến nỗi không thể ăn uống bình thường, kèm theo nôn mửa, khó tiêu… Điều này ảnh hưởng đến tính nhịp nhàng của quá trình co bóp tử cung.
- Giữ tâm lí thoải mái: Lo lắng thái quá trong suốt thời gian mang thai cũng là nguyên nhân gây khó sinh nở. Vì vậy, càng gần đến ngày sinh nở thì thai phụ càng phải tạo cho mình đời sống tinh thần vui vẻ thoái mái. Thai phụ cần nghỉ ngơi, giải trí cho tinh thần thoải mái, ít quan tâm đến công việc bên ngoài, dành thời gian để trau dồi cho mình những kiến thức về sinh đẻ, không nên tỏ ra sợ hãi và yếu đuối, sẽ làm ảnh hưởng đến các cơn co tử cung. Thai phụ khi chuyển dạ, trước hết phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng cơn đau do co bóp tử cung, nên tự điều chỉnh tâm lí, tinh thần thư giãn, không nên sợ đau. Bởi vì lo sợ không làm giảm nhẹ cơn đau, ngược lại càng sợ đau thì càng đau.
- Theo học lớp tiền sản: Để có kiến thức chuẩn bị cho cuộc vượt cạn của bạn. Tham gia lớp học này để bạn biết cách sinh nở đúng và những vấn đề liên quan. Điều này khiến bạn tự tin hơn giúp giúp giảm bớt lo lắng và đau đớn do sinh không đúng cách.
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ: Sản phụ nên bình tĩnh để làm theo những hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa thai phụ và bác sỹ là vấn đề then chốt cho việc dùng sức rặn lúc sinh. Vì vậy thai phụ nhất thiết phải nghe lời hướng dẫn của bác sĩ và phối hợp tốt với bác sĩ, như vậy sẽ làm cho quá trình sinh nở được thuận lợi.

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Web Hosting