Thursday, July 25, 2013

Những kinh nghiệm khi mang thai lần đầu chị em nên biết


Nếu bạn mang bầu lần đầu tiên thì sẽ rất khí khăn trong việc chăm sóc thai nhi. Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm mà phụ nữ mang thai cần biết.


Xác định tình trạng sức khỏe của mẹ, liệu những bệnh sẵn có của mẹ có nặng lên thêm trong thai kỳ, có làm mẹ khó khăn khi mang thai; cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ
Xác định sức khỏe của thai, sự phát triển của thai có bình thường hay không, phát hiện kịp thời các bất thường của thai
Tiên lượng các vấn đề của mẹ và thai trong thai kỳ hay xa hơn, tiên lượng cuộc sanh sẽ xảy ra như thế nào, có gì bất lợi cần can thiệp y tế sớm hơn không.
Trong lúc khám thai sẽ có một số xét nghiệm cần làm. Hiểu được ý nghĩa của các xét nghiệm sẽ giúp các bà mẹ chấp nhận xét nghiệm dễ dàng hơn, cũng như không bỏ qua các thời điểm quan trọng cần làm xét nghiệm.

1/ Siêu âm trong thai kỳ

Đối với thai kỳ, siêu âm cho nhiều giá trị chẩn đoán và tiên đoán quí báu. Thông thường trong mỗi lần mang thai, tối thiểu cần có 3 lần siêu âm vào các khoảng sau: 10-12 tuần, 20-24 tuần và 30-32 tuần. Thời điểm siêu âm nên được tuân thủ sát sao để siêu âm mang laị nhiều giá trị hữu ích.

Lúc 10-12 tuần, thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, có thể nhìn thấy rõ tứ chi cùng với các đoạn một cách rõ ràng, những bất thường lớn có thể nhìn thấy ở thời điểm này. Việc đo các đường kính của thai cho phép tính tuổi thai chính xác, với độ sai lệch trong khoảng vài ngày (nếu để trễ qua các tháng sau, mức sai số có thể là 1-2 tuần). Hơn nữa, ở thời điểm này, việc đo khoảng mờ sau gáy có giá trị tiên lượng cho các bệnh lý tim mạch hay bất thường về nhiễm sắc thể (mà thường hay gặp nhất là bệnh Down). Khi khoảng này cao hơn 3mm, khả năng bệnh lý có thể lên đến 80%.

Vào lúc 20-24 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể thai. Hơn nữa, các nội tạng cũng đã khá phân biệt, nên rõ ràng để nhận ra trên siêu âm. Siêu âm giai đoạn này chủ yếu nhằm phát hiện các bất thường của thai. Sau đó, tùy tình hình bất thường có thể cần làm lại một lần siêu âm trong 2-4 tuần sau để xác định rõ hơn.

Lần siêu âm thứ ba (30-32 tuần) nhằm đánh giá sự phát triển thai, đa số các trường hợp suy dinh dưỡng thường được phát hiện vào lúc này (một số trường hợp bệnh lý đặc biệt sẽ có suy dinh dưỡng sớm hơn). Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn, vì vào các tháng trước, vẫn còn có sự phát triển và dịch chuyển dần lên trên của nhièu trường hợp nhau bám thấp. Một số bất thường thai có thể xuất hiện hay phát triển muộn, sẽ được phát hiện tiếp vào lúc này.

Các lần siêu âm trên thật ra vẫn có thể thực hiện qua siêu âm 2D (hay còn gọi là siêu âm trắng đen, thực chất là siêu âm cho ra hình phẳng – 2 chiều). Riêng lần thứ hai có thể là 2D hay 3-4D (cho hình ảnh không gian ba chiều). Trong các lần siêu âm có thể sử dụng đầu dò ngã bụng (đầu dò của máy đặt trực tiếp trên bụng – còn goị là siêu âm ngã bụng) hay đầu dò ngã âm đạo (đầu dò đưa vào âm đạo – còn gọi là siêu âm ngã âm đạo), sự lựa chọn naỳ tuỳ theo thai lớn hay nhỏ, hướng cần tiếp cận thai, tuỳ bệnh lý cần khảo sát, và hoàn toàn không làm hại đến người sử dụng.

Việc đo trọng lượng thai qua các lần siêu âm thực hiện bằng cách thông qua các kích thước đo được của thai sẽ tính toán ra trọng lượng ước đoán.

Ngoài ra còn có siêu âm mạch máu, cho phép khảo sát các dòng mạch máu, sử dụng trong các tình huống bệnh lý có nguyên nhân hay hậu quả liên quan đến tình trạng các mạch máu nuôi dưỡng. Trong siêu âm này, có qui ước các màu khác nhau cho dòng máu đi gần đến và đi xa khỏi đầu dò của máy siêu âm, nên hình ảnh hiển thị thường có màu và do đó còn gọi là siêu âm màu (còn gọi là siêu âm doppler, do còn đo các chỉ số dòng máu, theo hiệu ứng Doppler). CHỉ định siêu âm loại này chỉ dùng trong một số bệnh lý đặc biệt, như khi thai có suy dinh dưỡng, cần khảo sát mạch máu bánh nhau hay cuống rốn.

Nhiều thai phụ mong muốn siêu âm nhiều lần để biết chắc con mình khoẻ, để nhìn thấy được con mình trong mỗi lần khám thai. Nhu cầu này là có thực và thật ra cũng chính đáng. Tuy nhiên, siêu âm quá nhiều lần sẽ làm lãng phí tiền bạc, không có giá trị cao về theo dõi sức khoẻ thai. Cho đến ngày nay, chưa có một bằng chứng khoa học nào cho thấy siêu âm có thể làm hại đến thai nhi, nhưng không vì thể mà chúng ta lạm dụng siêu âm.

Siêu âm là một biện pháp chẩn đoán hưũ ích trong thai kỳ, chúng ta nên tận dụng tốt giá trị của siêu âm bằng cách tuân thủ thời điểm siêu âm. Không nên lạm dụng siêu âm chỉ để thoả mãn ý thích và nhu cầu, có thể gây tốn kém tiền bạc và có thể làm tăng lo lắng không đáng có.

2/ Xét nghiệm nước tiểu

Khi khám thai, thai phụ thường xuyên được làm xét nghiệm nước tiểu, hầu như ở mỗi lần khám thai. Đây là xét nghiệm cơ bản về nước tiểu. Xét nghiệm này khác với xét nghiệm thử thai bằng que nhúng vào nước tiểu.

Xét nghiệm rất dễ làm, có kết quả ngay sau vài phút, thường sử dụng loại xn định tính, nghĩa là xem xét có các chất trong nước tiểu với kết quả có hay không có, hoặc có ở mức độ ít - nhiều mà không đòi hỏi chính xác về số lượng. Thường mục tiêu tập trung là xem trong nước tiểu có đường, đạm, vi khuẩn hay không.

Trước kia thường dùng loại que thử, 2 hay 3 thông số (chỉ trả lời 2 hay 3 chất): gồm tìm xem có đạm, đường để khảo sát tình trạng tiểu đường lúc mang thai hay khi có bệnh lý cao huyết áp kèm thêm tiểu đạm – là bệnh lý tiền sản giật thường gặp trên bà bầu (hay thêm vào pH của nước tiểu – pH sẽ tăng trong các trường hợp có nhiễm trùng). Về sau, các loại que xét nghiệm được thiết kế để trả lời nhiều thông số hơn, như bạch cầu, máu, thể ceton, nitrite ... các kết quả sau này cho phép xác định sơ bộ tình trạng nhiễm trùng tiểu (bạch cầu, nitrite), mức độ trầm trọng của vàng da hay bệnh tiểu đường, một số dấu hiệu cho biết khả năng của bệnh lý thận .

Để làm xét nghiệm loại này, về phía thai phụ chỉ cần lấy nước tiểu giữa dòng, nghĩa là sau khi đi tiểu bớt một ít sẽ lấy phần nước tiểu tiếp đó để làm xét nghiệm. Mục đích bỏ đi phần nước tiểu đầu là nhằm giảm khả năng dây bẩn nước tiểu từ vùng sinh dục ngoài, vùng hậu môn, vốn rất gần với lỗ tiểu. Tay lấy nước tiểu nên rửa sạch cũng nhằm tránh việc dây bẩn. Nếu có điều kiện rửa sạch vùng kín trước khi đi tiểu thì càng tốt. Nếu nhớ được chi tiết của bữa ăn (khoảng cách bữa ăn tới lúc lấy nước tiểu, có ăn hay uống quá ngọt ... ) trước khi lấy nước tiểu sẽ càng tốt cho việc diễn giải chính xác kết quả xét nghiệm.

Que thử nước tiểu loại 2-3 thông số thường rất dễ sử dụng. Trên một đầu của que, có gắn sẵn các mẩu giấy thử sẽ thay đổi màu khi tiếp xúc với các chất cần tìm (que 2 thông số sẽ có 2 mẩu giấy thử, mỗi mẩu cho một chất cần tìm; tương tự 3 thông số có 3 mẩu giấy thử, que 10 thông số có 10 mẩu giấy thử). Chỉ cần nhúng que thử vào nước tiểu, rồi so màu của que với bảng màu tiêu chuẩn (có in kèm trên vỏ hộp sản phẩm) là có kết quả ngay. Các thai phụ, nếu có hướng dẫn, hoàn toàn có thể tự thử nước tiểu tại nhà để theo dõi sức khoẻ lúc mang thai. Các loại que thử nhiều thông số hơn thì đòi hỏi cần một máy đọc kết quả sau khi nhúng que vào nước tiểu. Thật ra, nguyên tắc làm việc của máy cũng chỉ là so màu của que với bảng màu tiêu chuẩn; tuy nhiên với máy thì sự thay đổi màu sắc sẽ được nhận rõ chi tiết, có thể xếp vào nhiều mức độ, do đó, kết quả trả lời cũng cho phép chính xác đến có thể qui về số lượng.

Diễn giải một số kết quả của xét nghiệm nước tiểu:

Có đường trong nước tiểu: có thể là bình thường nếu thử nước tiểu ngay sau khi ăn hay uống chất ngọt. Tuy nhiên khi đó, nên làm tiếp xét nghiệm tìm lượng đường trong máu, nếu cùng lúc đường trong máu quá cao, có thể là bệnh lý tiểu đường. Nếu có thêm thể ceton trong máu, khả năng cao về tiểu đường – thậm chí là tiểu đường nghiêm trọng.
Có đạm trong nước tiểu: có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiền sản giật (cao huyết áp sẽ xuất hiện sau đó), hoặc là bệnh lý thận.
Có máu trong nước tiểu: thường là do dây bẩn, nhất là khi đang có tình trạng ra máu âm đạo. Tuy nhiên, khi thấy có máu thường xuyên 2-3 lần khám thai liên tục (mà không có tình trạng ra máu) thì thai phụ sẽ được lưu ý tìm các bệnh lý về thận.
Nhiễm trùng tiểu sẽ được nghi ngờ khi có nhiều bạch cầu trong nước tiểu, kèm theo pH tăng cao, đặc biệt khi có nitrite trong nước tiểu (là sản phẩm do nhiễm trùng gây ra). Khi đó, thai phụ thường sẽ được làm thêm xét nghiệm cấy nước tiểu tìm vi trùng, xét nghiệm này phức tạp hơn, cần thời hạn 2-3 ngày để có kết quả.
Tóm lại, xét nghiệm nước tiểu thường làm trong khi mang thai là xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, cho kết quả nhanh, nhưng mang lại lợi ích cho việc theo dõi sức khoẻ thai. Trong trường hợp thai phụ có điều kiện tự theo dõi, việc hướng dẫn và khuyến khích thai phụ tự theo dõi nước tiểu tại nhà là việc nên làm.

3/ Các xét nghiệm máu:

Thường sẽ làm các xét nghiệm tìm bệnh lý nhiễm trùng của mẹ (thông thường nhất là HIV, Giang mai, Viêm gan siêu vi . Các bệnh này nếu mẹ có nhiễm sẽ lây qua con trong lúc mang thai và gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho con. Nếu phát hiện mẹ nhiễm từ sớm, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các tác hại cho con.
Sẽ làm thêm xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu máu của mẹ để có hướng bổ sung sắt thích hợp. Ngoài ra, còn tìm thêm các bệnh lý thiếu máu di truyền (tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng có thể lên đến 7%), mà nếu bố mẹ có bệnh sẽ di truyền cho con và có thể làm con bệnh nghiêm trọng đến có thể mất thai.
Cũng cần làm thêm việc định nhóm máu cho mẹ nhằm tạo thuận lợi cho việc truyền máu, nếu cần, trong lúc sanh.
Vào khoảng thai 6 tháng còn cần làm thêm xét nghiệm tìm bệnh tiểu đường thai kỳ; đây cũng là vấn đề sức khỏe khá mới tại nước ta. Cần biết tỷ lệ tiểu đường thai kỳ có thể lên tới 15%, không kiểm soát được lượng đường trong máu khi mang thai có thể đưa đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho con và mẹ.
Xét nghiệm sàng lọc các bất thường thai (bất thường về nhiễm sắc thể) có thể làm vào khoảng 10-13 tuần hay 14-20 tuần, tùy loại. Đây chỉ là xét nghiệm bước 1, khi có nghi ngờ cần làm tiếp xét nghiệm bước 2 – là lấy mẫu nước ối hay bánh nhau.
Chăm sóc thai tích cực sẽ giúp bà mẹ có đầy đủ sức khỏe và thông tin, thêm tự tin trong thai kỳ; giúp phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai. Chăm sóc thai kỳ là một trong các yếu tố cần để có được kết quả “mẹ tròn con vuông”.

Ngoài ra các mẹ cũng nên lưu ý:

Chuẩn bị về mặt tâm lý

Thông thường trong suốt thai kỳ phụ nữ sẽ có nhiều bất ổn về tâm lý. Khi mang thai nhiều chị em thấy mệt mỏi, buồn nôn, thèm ăn vô cớ, khó chịu trong người, dễ quên, hay cáu gắt,..
Đó là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai sự thay đổi của hocc-môn bên trong cơ thể. Chính sự thay đổi sinh lý này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý khi mang thai.
Tuy nhiên nếu triệu chứng khó ngủ, chán ăn, lo âu hoặc chán nản,... kéo dai trên 2 tuần nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn.

Khi mang thai

Bạn nên tránh xa các chất độc hại như thuốc diệt muỗi, hoá chất tẩy rửa, hoá chất nhuộm tóc,...

Khi vận động nên từ tốn, tránh nhấc vật nặng và thực hiện những động tác mạnh bạo vì lúc mang thai các dây chằng trở nên mềm hơn, dễ sang chấn hơn.
Khi bị cúm cúm không nên tự ý dùng thuốc mà phải đi khám bác sỹ ngay để xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý.
Khi bị giãn tĩnh mạch do mang thai, đặc biệt là bị trĩ và táo bón, nên ăn nhiều rau quả, tập thể dục, mặc quần áo rộng và bôi thuốc để đám trĩ co lại. Ngoài ra nên tập luyện cách rặn thở để giúp việc sinh con dễ dàng.

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý

Không phải cứ khi nào bạn mang thai mới nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý mà trước khi mang thai bạn cũng phải ăn uống đủ dinh dưỡng như vậy mới tốt cho thai nhi.
Trong 4 tháng đầu, bạn chưa cần ăn uống tẩm bổ quá nhiều mà chỉ cần đủ mức dinh dưỡng thông thường, kết hợp uống thêm 1 ly sữa và 1 viên đa sinh tố mỗi ngày.
Năm tháng tiếp theo, bạn nên thực hiện chế độ ăn thêm đặc biệt, thêm khoảng 300 calo mỗi ngày so với bình thường.

Thường xuyên chăm sóc và rèn luyện sức khoẻ

Sức khoẻ của bà mẹ khi mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Hơn ai hết chị em chính là người cảm nhận rõ nhất những diễn biến, thay đổi khác thường trong cơ thể mình.
Hãy tập thói quen chăm sóc sức khoẻ cũng như nhận biết các dấu hiệu sức khoẻ khi mang thai là điều bạn nên thực hiện từ bây giờ.
Ngoài ra bạn còn cần phải chú ý rèn luyện sức khỏe như tập thể dục hàng ngày, bơi lội, khiêu vũ, đi bộ, hít thở không khí trong lành…

Có kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ

Sau khi sinh các bà mẹ cần có kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh như: chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho cả mẹ và con, cách cho bé bú sữa mẹ, cách tắm rửa, vệ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn các bệnh như viêm phế quản phổi, nhiễm trùng rốn, viêm mắt sơ sinh,...
Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị sẵn những đồ đạc nào cần thiết cho bé, quần áo, tiện nghi cho bé khi cần dùng đến là có ngay.
Cách tốt nhất để được trang bị đầy đủ và hiệu quả những kiến thức trên bạn nên tham gia vào các khoá học chuyên biệt dành riêng cho các bà mẹ.


Chamsocsausinh.com

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best Web Hosting